Thế trời nằm ở đâu trong tất cả những thứ đó? Pythagoras và những người đi theo ông đã đóng một vai trò mặc dù không phải là trọng yếu nhưng cũng không thể bỏ qua trong lịch sử của thiên văn học. Họ thuộc những người đầu tiên cho rằng Trái đất là hình cầu (có lẽ chủ yếu là do tính thẩm mỹ toán học cao của hình cầu). Họ cũng có thể là những người đầu tiên tuyên bố rằng các hành tinh, Mặt trời và Mặt trăng có chuyển động riêng độc lập từ tây sang đông, theo chiều ngược với chuyển động quay (biểu kiến) hàng ngày của mặt cầu các ngôi sao cố định. Các nhà quan sát say mê của bầu trời đêm không thể bỏ qua những thuộc tính rõ rệt nhất của các chòm sao – đó là hình dạng và số lượng. Mỗi chòm sao được nhận ra bởi số các ngôi sao hiện diện trong đó và hình dạng tạo bởi chúng.
Nhưng hai đặc tính này lại chính là những yếu tố căn bản trong học thuyết Pythagoras về các con số, giống như là Tetraktys vậy. Những người đi theo Pythagoras vô cùng thích thú với sự phụ thuộc của các dạng hình học, các chòm sao và hòa âm vào các con số đến mức các con số trở những thành viên gạch xây nên vũ trụ và đồng thời cũng là các nguyên lý nằm phía sau sự tồn tại của nó. Do vậy không có gì đáng ngạc nhiên khi câu châm ngôn của Pythagoras nhấn mạnh rằng “Vạn vật hợp với nhau về số.” Chúng ta có thể tìm được bằng chứng cho thấy những người theo học thuyết Pythagoras coi trọng câu châm ngôn này như thế nào từ hai nhận xét của Aristotle.
Một là trong tập hợp chuyên luận Siêu hình, ông nói: “Những người được gọi là theo học thuyết Pythagoras đã áp dụng chinh họ vào toán học, và là những người đầu tiên phát triển khoa học này; và thông qua nghiên cứu nó, họ đã trở nên tin rằng các nguyên lý của nó là nguyên lý của vạn vật.” Trong một đoạn khác, Aristotle mô tả một cách sinh động sự sùng lánh các con số và vai trò đặc biệt của Tetraktys: “Eurytus [một học trò của Philolaus - một người theo học thuyết Pythagoras] đã định ra số nào tương ứng với vật gì (chẳng hạn như số này là của người, số kia là của ngựa) và mô phỏng hình dạng của các sinh vật bằng các viên sỏi theo cách mà người ta biến các con số thành hình tam giác hay hình vuông.” Câu “hình tam giác hay hình vuông” ám chỉ đến cả Tetraktys và một cấu trúc khác cũng lý thú không kém của những người theo học thuyết Pythagoras đó là gnomon.
Từ khóa tìm kiếm nhiều: những nhà bác học nổi tiếng